Phiên tòa mở sáng nay, dự kiến kéo dài 5 ngày, xét xử cựu chủ tịch Hà Nội về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đây là vụ án thứ 4 ông Nguyễn Đức Chung bị xử lý. Cựu chủ tịch Hà Nội đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án: chiếm đoạt tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường, mua sắm chế phẩm Redoxy-3C và can thiệp đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Cùng vụ án, VKS truy tố 14 người khác về bốn tội: Buôn lậu; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Công ty Cây xanh Hà Nội được xác định là nguyên đơn dân sự. Tòa triệu tập một số cá nhân làm chứng, trong đó có ông Lê Văn Dục, cựu giám đốc Sở Xây dựng và ông Nguyễn Nguyên Trà, cựu trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Xây dựng có mặt.
Ông Nguyễn Đức Chung và 14 bị cáo tại phiên tòa mở sáng 25/8. Ảnh: Danh Lam
Theo cáo trạng, trước năm 2016, công tác trồng mới, thay thế cây xanh ở Hà Nội được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Đến tháng 12/2015, khi được bổ nhiệm Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Chung đã trực tiếp can thiệp, chỉ đạo việc trồng mới, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh. Từ chỉ đạo của ông Chung, toàn thành phố “tạm dừng toàn bộ việc đấu thầu”, chuyển sang đặt hàng từng quý.
Tại các cuộc họp với sở ngành liên quan, ông Chung chỉ đạo “miệng”, áp đặt cho Giám đốc Sở Xây dựng phải đặt hàng trực tiếp của Công ty Sinh Thái Xanh. Công ty này ra đời từ năm 2016, khi Bùi Văn Mận đang trốn nợ ở Lâm Đồng thì được ông Chung gọi về làm dự án trồng cây. Ông Mận không góp vốn nhưng đứng tên giám đốc, còn mọi việc do phó giám đốc Hoàng Thị Kim Loan đảm nhận.
Thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu thành phố, từ năm 2016 đến 2019, dù việc trồng mới cây xanh ở Hà Nội đủ điều kiện đấu thầu nhưng Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng lại ký hợp đồng đặt hàng. Đơn vị này giao Công ty Cây Xanh (đơn vị trực thuộc UBND Hà Nội) và Công ty Sinh Thái Xanh trồng cây trước rồi mới lập dự toán, thẩm định.
Bị can Bùi Văn Mận đến toà trong sáng 25/8. Ảnh: Danh Lam
Theo cáo buộc, khi thực hiện 10 hợp đồng với Ban Duy tu, Công ty Cây Xanh đã ký hợp đồng với thương lái trôi nổi trên thị trường để nâng khống giá đầu vào cây chà là, bàng lá nhỏ. Công ty Cây Xanh sau đó cùng cán bộ Ban Duy tu cung cấp báo giá sai quy định, hợp thức chứng thư thẩm định giá để “đẩy giá cây lên cao”.
Khi Công ty Sinh Thái Xanh ký 6 hợp đồng với Ban Duy tu, bị can Mận và Loan đã thông đồng, nâng khống giá cây chiêu liêu, keo, long não, sộp,… để thu lợi cá nhân. VKS xác định 16 hợp đồng với hai công ty trên đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 34 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, Vũ Kiên Trung, Tổng giám đốc Công ty Cây Xanh, đã cùng đồng phạm nâng khống giá cây và được thanh toán 17 tỷ đồng tiền chênh lệch. Số tiền chiếm hưởng này, ông Trung khai trích 4,7 tỷ đồng cho một số nhân viên chủ chốt, còn lại Trung hưởng 1,5 tỷ.
Tổng giám đốc còn khai đã trích từ 17 tỷ đồng này đưa cho ông Chung 2,6 tỷ đồng vào các dịp lễ, tết năm 2016-2018 để cám ơn đã tạo điều kiện và chỉ đạo sở ngành Hà Nội đặt hàng công ty.
Một trong những đơn vị đầu mối thực hiện các hợp đồng là Ban Duy tu nên VKS xác định có trách nhiệm quản lý, giám sát của bị can Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Duy tu. Ông Tuấn bị cáo buộc đã thiếu giám sát để cấp dưới thông đồng nâng khống giá cây, gây thất thoát ngân sách 34 tỷ đồng.
Ông Tuấn trực tiếp ký 18 văn bản gửi Sở Tài chính đề nghị hướng dẫn về xác định đơn giá nhưng không được trả lời. Trong việc này, ông được kết luận không có động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân.
Cây xanh trồng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, trong giai đoạn xảy ra vụ án. Ảnh: Giang Huy
Cáo trạng xác định, trong số cây trồng ở Hà Nội có nhiều cây chà là và bàng Đài Loan được nhập lập từ Trung Quốc. Bị can Hoàng Đình Văn, Giám đốc Công ty XNK Hoàng Anh Phát, khi được đặt vấn đề đã nhập lậu hơn 4.000 cây chà là và gần 2.000 cây bàng Đài Loan từ Trung Quốc theo đường sông Ka Long, thành phố Móng Cái rồi chuyển tới Hà Nội.
Để che giấu, ông Văn chỉ đạo kế toán xóa hết dữ liệu trong máy tính nên cảnh sát không thể trích xuất đầy đủ. Dựa vào tài liệu thu thập được, VKS kết luận ông Văn buôn lậu cây để thu lời bất chính 1,6 tỷ đồng. Gia đình bị can đã nộp hết số tiền này để khắc phục hậu quả.
Theo VKS, ông Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người đứng đầu thành phố, phạm tội vì động cơ cá nhân để các cá nhân có quan hệ thân thiết với mình hưởng lợi bất chính số tiền “đặc biệt lớn”, song có nhiều thành tích xuất sắc, được xét là yếu tố giảm nhẹ
Dưới nhiệm kỳ Chủ tịch UBND Hà Nội của ông Chung, Hà Nội khởi động chương trình trồng mới một triệu cây xanh. Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội báo cáo đã trồng mới trên 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại.
Thanh Lam