Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam theo Luật doanh nghiệp 2020 - Văn phòng Luật sư Tân HàVăn phòng Luật sư Tân Hà

Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam theo Luật doanh nghiệp 2020

Về phân loại Doanh nghiệp, căn cứ vào những tiêu chí khác nhau mà ta phân thành nhiều loại dựa trên những tiêu chí đó. Ví dụ dựa vào hai tiêu chí sau:

1. Căn cứ theo tiêu chí hình thức pháp lý của doanh nghiệp

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, có 5 loại hình doanh nghiệp với các đặc trưng pháp lí, hình thức tổ chức và khả năng huy động vốn khác nhau, các loại hình đó bao gồm:

Thứ nhất, Doanh nghiệp tư nhân: là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động trong doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Thứ ba, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: là doanh nghiệp, trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.

Thứ tư, Công ty cổ phần: là doanh nghiệp mà vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cá nhân hay tổ chức sở hữu cổ phần của doanh nghiệp được gọi là cổ đông và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Thứ năm, Công ty hợp danh: là loại hình doanh nghiệp mà trong đó phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên gọi chung là thành viên hợp danh, ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn.

2. Căn cứ vào tiêu chí tính chất sở hữu tài sản trong doanh nghiệp

Thứ nhất, Doanh nghiệp Nhà nước: là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn 100%, tổ chức thực hiện chức năng quản lí trên mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh kể từ khi thành lập cho đến khi giải thể.

Thứ hai, Doanh nghiệp hùn vốn: là một tổ chức kinh tế mà vốn được đầu tư do các thành viên tham gia góp vào và được gọi là công ty. Họ cùng chia lời và cùng chịu lỗ tương ứng với phần vốn đóng góp.

Thứ ba, Doanh nghiệp tư nhân: là đơn vị kinh doanh có mức vốn không thấp hơn vốn đăng kí, do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ tư, Hợp tác xã: là loại hình kinh tế tập thể, do những người lao động và các tổ chức có nhu cầu, lợi ích chung tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo qui định của pháp luật để phát huy sức mạnh của tập thể và của từng xã viên nhằm giúp nhau thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, và cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội…

Hiện này, ở Việt Nam có 5 loại hình doanh nghiệp chính: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Doanh nghiệp cổ phần, Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp hợp danh. Cụ thể ta sẽ cùng tìm hiểu lần lượt đặc điểm của từng công ty ở dưới đây.

a. Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm sau:

– Do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng với toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp;

– Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào;

– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân mà thôi;

– Được đăng ký kinh doanh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, do một cá nhân làm chủ, có trụ sở giao dịch, tài sản và có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của công ty;

– Chủ của doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

– Không có tư cách pháp nhân so với các loại hình doanh nghiệp khác, chủ doanh nghiệp có thể tự mình điều hành hoặc thuê người khác điều hành, quản lý tất cả hoạt động của doanh nghiệp.

 

b. Công ty hợp danh

Công ty hợp danh có những đặc điểm sau:

– Có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng hoạt động kinh doanh dưới một tên chung.

– Ngoài các thành viên hợp danh còn có thể có thành viên góp vốn;

– Thành viên hợp danh bắt buộc phải là cá nhân, có đầy đủ tư cách pháp lý về chủ thể tham gia thành lập doanh nghiệp.

– Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty ở phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

– Có tư cách pháp nhân bắt đầu từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Không được phát hành cho bất kỳ loại chứng khoán nào.

– Có tư cách pháp nhân, thành viên có quyền quản lý công ty và tiến hành các hoạt động kinh doanh thay công ty, cùng chịu trách nhiệm và nghĩa vụ của Công ty.

– Thành viên góp vốn được chia lợi nhuận theo tỷ lệ được quy định trong luật lệ công ty, các thành viên hợp danh có quyền và lợi ích ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.

c. Công ty cổ phần

Công ty cổ phần có những đặc điểm sau đây:

– Các chủ thể khi tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần được gọi là Cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân, tổ chức phải có tư cách pháp luật, quyền tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp quy định;

– Có số lượng cổ đông tối thiểu là 3 thành viên và không giới hạn số lượng cổ đông tối đa;

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào;

– Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau thì gọi là cổ phần;

– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo luật doanh nghiệp quy định.

– Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn theo luật về chứng khoán quy định.

– Cơ cấu của Công ty cổ phần phải có bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc (TGĐ), và trên 11 cổ đông phải có Ban kiểm soát.

d. Công ty trách nhiệm hữu hạn

Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

–  Đặc điểm của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về đặc điểm của Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên như sau:

– Là loại hình doanh nghiệp do 1 tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu.

– Chủ sở hữu công ty sẽ chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty.

– Có tư cách pháp nhân khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Sẽ không có quyền phát hành cổ phần.

– Chủ sở hữu công ty toàn quyền quyết định tất cả vấn đề liên quan đến hoạt động công ty, có quyền chuyển nhượng tất cả hoặc một phần vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác.

– Cơ cấu tổ chức quản lý nội bộ bao gồm: Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc.

–  Đặc điểm của Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

– Thành viên tham gia góp vốn thành lập có thể là cá nhân và tổ chức có tư cách pháp lý, là chủ thể có quyền tham gia góp vốn/thành lập/quản lý doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp quy định;

– Có số lượng thành viên góp vốn không vượt quá 50 thành viên và tối thiểu là 2 người;

– Thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp của mình;

– Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật.

– Có tư cách pháp nhân khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Không được quyền phát hành cổ phần, cổ phiếu để huy động vốn…./